Kiểu giáp “tối đa hoặc bỏ trống” của các chiến hạm

Theo tư duy thông thường, giáp bảo vệ cho các loại khí tài chiến tranh hay ngay cả con người thường sẽ được bố trí theo phương thức: Diện tích che chắn càng lớn càng tốt, trong đó các khu vực quan trọng sống còn sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp dày hơn trong các khu vực khác càng ít quan trọng thì sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp càng mỏng. Cách bố trí giáp này tỏ ra có hiệu quả trong thời kỳ mà hải chiến chủ yếu xảy ra ở tầm gần với cỡ pháo nhỏ. Theo thời gian, kích thước pháo ngày càng tăng dần, cùng với đó là hệ thống điều khiển bắn ngày càng hoàn thiện khiến độ chính xác tầm xa của pháo trở nên vô cùng đáng sợ. Một hiểm họa dần hiện rõ: Do giáp sàn quá mỏng, không một thiết giáp hạm hiện hữu nào có khả năng chống nổi đạn pháo tầm xa nếu rót trúng sàn tàu. Ngoài ra, với khả năng xuyên phá ngày càng mạnh của cỡ đạn lớn, chỉ một phát đạn trúng vào khu vực tháp pháo sẽ đủ để đánh chìm cả thiết giáp hạm do nổ kho đạn.

Thiết giáp hạm IJN Nagato của Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Do trọng lượng giáp bảo vệ có tỉ lệ tương ứng với tải trọng của tàu, tăng độ dày giáp sàn hay giáp tháp pháo sẽ khiến giáp ở những vị trí khác lại càng mỏng hơn. Đứng trước bài toán hóc búa đó, các kỹ sư thiết kế của Mỹ đề xuất một ý tưởng vô cùng táo bạo:

” Tăng cường tối đa giáp bảo vệ sàn tàu và những khu vực sống còn như tháp pháo, máy tàu, hệ thống điều khiển bắn….đồng thời bỏ trống hoàn toàn những khu vực kém quan trọng hơn”.

Cách bố trí giáp này đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn về thiết kế của thiết giáp hạm, cả bên ngoài lẫn bên trong: Các bộ phận quan trọng phải được kéo sát gần nhau thành một cụm và số lượng tháp pháo giảm xuống tối đa để giảm thiểu diện tích cần bảo vệ . Có thể hình dung đơn giản, kiểu giáp “Tối đa hoặc bỏ trống” này là một khối bọc thép nằm trong lòng thiết giáp hạm, nơi mà các bộ phận quan trọng sống còn của tàu cùng phần lớn thủy thủ đoàn sẽ nằm trong đó. Bên ngoài khối thép đó, giáp bảo vệ gần như không hiện hữu. Theo lý thuyết, khi bên trong pháo đài thép này còn sống sót, thiết giáp hạm vẫn còn sống sót và chiến đấu.

Thiết giáp hạm Nevada và Oklahoma đang hành hải trên biển Alantic những năm 1920

Nevada là thiết giáp hạm đầu tiên áp dụng cách bố trí giáp này cùng toàn bộ thế hệ thiết giáp hạm chuẩn của Mỹ sau đó. Cách bố trí giáp này về sau được hải quân Anh và Đồng Minh áp dụng khá triệt để để trong khi Đức và Nhật vẫn chọn kiểu bố trí giáp chia đều cũ. Tính hiệu quả của cách bố trí giáp “Tối đa hoặc bỏ trống” này chưa bao giờ được kiểm chứng rõ ràng trong thực tế do có quá ít các trận hải chiến giữa các thiết giáp hạm xảy ra sau đó. Hầu hết các thiết giáp hạm đều bị kết thúc số phận bởi bom và ngư lôi.

#Bagration st – Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 2

Add your comment