“Nhà máy huyền thoại” với sản lượng 850 T-34/tháng
Huyền thoại đó có tên là “Nhà máy sản xuất xe tăng Urals Stalin số 183” ở Nishnij – Tagil. Tháng 9 năm 1941, trước hiểm họa từ cuộc tấn công vũ bão của Phát xít Đức vào lãnh thổ Liên Xô, xí nghiệp sản xuất đầu máy và xe tăng số 183 ở Kharkov đươc di dời về Nishnij – Tagil, sáp nhập vào nhà máy sẵn có ở đó và đổi tên thành tổ hợp công nghiệp Ural. Nhà máy Kharkov đã vận chuyển tới đây các máy móc công nghiệp hạng nặng và thiết bị thủy lực. Nhiều loại máy móc khác cũng được vận chuyển tới đây từ Mariupol, Leningrad và Moscow.
Những chiếc T-34 đầu tiên ra lò vào ngày 25/12/1941. Sản lượng sản xuất bình quân mỗi ngày tăng từ 5 – 15 chiếc trong tháng 12/1942 tới 22 chiếc vào tháng 1/1943 và 30 chiếc vào tháng 7/1943. Sản lượng bình quân hàng tháng của nhà máy là 850 chiếc T-34 ra lò năm 1943. Tháng 3/1944, nhà máy bắt đầu đưa vào sản xuất phiên bản T-34/85. Bên cạnh đó nhà máy cũng chế tạo được từ 250 – 300 khẩu pháo chống tăng 76mm mỗi tháng. Số lượng nhân công nhà máy là 40,000 người trong đó 50% là phụ nữ, thanh thiếu niên độ tuổi 16-17 (10%) và khoảng 5% là thương binh và họ làm việc từ 8 tiếng cho đến 12 tiếng mỗi ngày. Công việc sản xuất diễn ra trong tình trạng hết sức khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là lương thực. Bánh mỳ là khẩu phần ăn chính của các công nhân nhà máy với khẩu phần mỗi người là khoảng 400 – 800g một ngày…
Dây chuyền sản xuất xe tăng T-34 trong 1 nhà máy ở Liên Xô
Ở Liên Xô có nhiều thứ được người ta suy tôn là anh hùng, “Thành phố anh hùng”, “Pháo đài anh hùng”, “Sư đoàn cận vệ anh hùng”… Và tôi xin mạn phép được đặt cho các nhà máy chế tạo vũ khí ở Liên Xô với cái tên “Nhà máy anh hùng”. Với sản lượng 850 chiếc T-34/ tháng trong điều kiện thiếu thốn lương thực với 65% công nhân là phụ nữ, thiếu niên và thương binh thì cái danh hiệu này há chẳng phải xứng đáng lắm sao ???